Chủ tịch TP.HCM: Nếu giữ cách làm cũ, TP.HCM phải mất trăm năm để xong 220 km metro

admin

wordpress@landhub.vn

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng để hoàn thành 220 km đường sắt đô thị, TP cần có cách làm mới, hoàn toàn khác với cách làm tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên.

Sáng 15-12, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, chủ trì phiên họp của Hội đồng tư vấn triển khai thực hiện Nghị quyết số 98. Đây cũng là buổi họp đầu tiên của Tổ Chuyên gia tư vấn xây dựng, phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM sau khi thành lập.

TP.HCM đã cụ thể hóa Nghị quyết 98

Trước các chuyên gia, nhà khoa học, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết sau khi Nghị quyết 98 có hiệu lực, TP đã chủ động trong phối hợp với các bộ, ngành Trung ương trong cụ thể hóa các nội dung cơ chế, chính sách đặc thù. Đến nay, Thủ tướng đã ban hành một quyết định có liên quan việc triển khai Nghị quyết 98.

“Từ khi có Nghị quyết 98, UBND TP đã trình HĐND TP và chỉ sau 4 tháng TP cụ thể hóa các vấn đề thuộc thẩm quyền của TP liên quan tới Nghị quyết này. Tháng 2-2024, TP sẽ sẽ có cuộc họp chuyên đề HĐND TP và TP sẽ tiếp tục trình những nội dung còn lại liên quan tới Nghị quyết 98.

Vì vậy, tôi mong các chuyên gia gợi ý nhiều cách làm mới, từ cơ chế chính sách, thực tiễn của TP.HCM nhưng chưa có quy định pháp luật chưa có hoặc chưa rõ để báo cáo Bộ chính trị và Quốc hội để xin cơ chế thực hiện” – ông Mãi nói.

Sắp tới, chúng ta bàn tới TOD cho đường sắt đô thị, trung tâm tài chính… tất cả cần vận dụng tinh thần của Nghị quyết 98. TP.HCM có thể huy động nguồn vốn, tổ chức triển khai phù hợp để có thể bàn đến việc phát triển đô thị, các trung tâm tài chính có thể vận dụng trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết theo quy hoạch hiện hành TP.HCM có khoảng 220 km hệ thống đường sắt đô thị trong 12 năm tới. Quy hoạch này đã gần 20 năm, tuy nhiên chỉ một tuyến metro số 1 đã chiếm 15-16 năm và chúng ta loay hoay với 20 km.

Vậy, nếu TP tiếp tục duy trì cách làm này, tiếp tục vay vốn ODA, chuẩn bị đầu tư, xây dựng thì có lẽ 220 km sẽ mất 50-70 năm, thậm chí là 100 năm mới hoàn thiện.

Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, Kết luận 49 của Bộ Chính trị yêu cầu hoàn thiện cơ bản hạ tầng đường sắt đô thị với 220 km. Vì vậy, TP.HCM quyết định vận dụng Nghị quyết 98 để triển khai hạ tầng đường sắt đô thị.

Làm 220 km đường sắt đô thị bằng cách làm mới

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết từ tháng 7-2023, TP đã thành lập Tổ công tác để xây dựng Đề án hoàn thiện 220 km đường sắt đô thị.

Có thể, TP.HCM đề xuất thực hiện đoạn này trước, đoạn kia sau, nhưng phải thực hiện trong một Đề án, cơ chế chính sách. “Năm nay, TP sẽ phải hoàn thiện Đề án để trình HĐND TP và báo cáo Bộ Chính trị, Thường vụ Quốc hội để trình kỳ họp giữa năm 2024 về đề án đường sắt đô thị ở TP.HCM. TP.HCM sẽ phối hợp với Hà Nội để cùng kiến nghị, thay vì làm riêng lẻ như hiện nay.

TP.HCM cần có cách làm mới cho 220 km đường sắt đô thị, khác với cách làm metro số 1
TP.HCM cần có cách làm mới cho 220 km đường sắt đô thị, khác với cách làm metro số 1

Chúng ta phải thực hiện 220 km đường sắt đô thị từ nay tới 2035 và hiện chỉ còn 12 năm. Nếu so với thời gian làm metro số 1 thì chúng ta cần có cách làm hoàn toàn khác cho 220 km đường sắt đô thị” – Chủ tịch UBND TP nói.

Vì vậy, thứ nhất TP cần huy động nguồn vốn đủ lớn để làm, cho phép TP.HCM và Hà Nội được huy động tín dụng để đầu tư tập trung làm và chúng ta phải xin Quốc hội do vượt quy định.

Thứ hai, quy chế về thủ tục đầu tư cần đặc biệt hơn, rút ngắn. Với thực tế metro số 1, TP đã mất 9 năm chuẩn bị dự án. Vì vậy, việc chúng ta cần làm là phải rút ngắn thời gian chuẩn bị xuống 3-4 năm và cũng cần rút ngắn thời gian xây dựng xuống 3 năm mới hoàn thành nhiệm vụ đề ra.

Thứ ba, TP có thể phát triển hệ thống đường sắt đô thị và hệ thống này vận hành cũng cần duy tu, phát triển và gắn liền với ngành công nghiệp đường sắt đô thị của Việt Nam. Chúng ta không thể thuê mua các dịch vụ này từ nước ngoài, cơ chế nào để phát triển ngành đường sắt đô thị trong nước cũng cần bàn tới hôm nay.

Chủ tịch UBND TP cũng đặt vấn đề khi TP đã có Ban Quản lý đường sắt đô thị, Công ty quản lý vận hành metro số 1 và trong tương lai phải hình thành mô hình quản lý sao cho phù hợp. Đây là những vấn đề rất lớn, cần cơ chế chính sách và xin Quốc hội thông qua.

“Từ cuộc họp này, tôi mong rằng sẽ có nhiều góp ý để cơ bản hoàn thành Đề án để trình Ban thường vụ, trình HĐND TP.HCM và tháng 2-3 sẽ báo cáo Bộ Chính trị.

Giữa tháng 6 sẽ trình Quốc hội thông qua Đề án này và khi Quốc hội thông qua thì TP sẽ có niềm vui kép – tuyến metro số 1 chính thức chạy và Đề án thực hiện 220 km đường sắt đô thị được cụ thể hóa” – ông Mãi nhấn mạnh.

 

Mời bạn đánh giá nội dung bài viết

Để lại một bình luận